Nguyễn Đình Gia Huy
2024-10-26T02:46:53Z
- Sự bùng nổ của công nghệ Trí tuệ nhân tạo trong đời sống được đánh dấu nhờ sự ra đời của ứng dụng ChatGPT vào tháng 11 năm 2022 do công ty OpenAI phát triển. Chat GPT sở hữu khả năng xử lý các truy vấn một cách nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời cung cấp vô số ý tưởng sáng tạo, trở thành trợ thủ đắc lực cho người dùng trên toàn cầu trong mọi lĩnh vực công việc. Trí tuệ nhân tạo cũng đang dần trở thành “hạt nhân” của cách mạng công nghệ hiện nay, và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, tài chính, sản xuất,… Bài viết của Fulbright dưới đây sẽ giúp bạn khám phá những bí ẩn xoay quanh ngành Trí tuệ nhân tạo.

Ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) là gì?
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) là ngành học thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer Science) tập trung vào việc nghiên cứu và tạo ra những phương pháp khoa học, công cụ thông minh có khả năng phân tích và thu thập các nguồn dữ liệu khổng lồ giúp thực hiện các công việc theo yêu cầu của con người.

Hiện nay, dựa trên chức năng thì AI được chia thành 4 loại chính:

AI phản ứng: Công nghệ AI phản ứng có khả năng tương tác với môi trường xung quanh dựa theo nguyên tắc đã được lập trình trước. Vì công nghệ này không có bộ nhớ và được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Một ví dụ điển hình về công nghệ AI phản ứng có tên là Deep Blue. Đây là chương trình chơi cờ vua tự động được tạo ra bởi IBM, với khả năng xác định các nước cờ thông qua việc dự đoán từng bước đi tiếp theo của đối thủ.

AI với bộ nhớ hạn chế: AI hạn chế có khả năng nhớ lại những sự kiện trong quá khứ để đưa ra những quyết định ở hiện tại. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo hạn chế chỉ sử dụng dữ liệu trong quá khứ trong một khoảng thời gian cụ thể và khó để lưu trữ trong thời gian dài. Ví dụ cụ thể về AI có bộ nhớ hạn chế là hệ thống lái xe tự động hay còn gọi là xe không người lái. Xe tự lái sử dụng trí nhớ AI giới hạn để dự đoán khả năng xảy ra xung quanh và điều chỉnh tốc độ, phanh, rẽ,.. sao cho phù hợp.

AI tâm trí: Công nghệ AI tâm trí có khả năng hiểu và suy luận về tư duy, suy nghĩ và ý định của con người. Sự hiểu biết này có thể tác động đến cách AI tương tác với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, AI tâm trí sẽ không cảm nhận được sự tức giận, vui buồn của con người để có thể phản hồi khéo léo. Ví dụ, nếu bạn nói thật lớn vào Google Maps vì bỏ lỡ một ngã rẽ, nó sẽ phản hồi bằng cách tìm một con đường khác mà không cảm thấy khó chịu hay xúc động.

AI tự nhận thức: AI tự nhận thức là cấp độ cao hơn của AI tâm trí, có thể hiểu được cảm xúc, nhu cầu của con người. Về mặt lý thuyết AI tự nhận thức chỉ có khả năng tự nhận biết và hiểu về bản thân. Jarvis trong Iron Man là một ví dụ cụ thể của AI tự nhận thức. Jarvis (Just A Rather Very Intelligent System) là trí tuệ siêu nhân tạo được tạo bởi từ Tony Stark (Iron Man) có chức năng điều khiển các hệ thống và thiết bị. Jarvis còn có khả năng suy nghĩ độc lập và hỗ trợ con người ra quyết định.

Dựa trên khả năng học hỏi của AI chia làm 3 mức độ:

Trí tuệ thông minh thu hẹp (ANI – Artificial Narrow Intelligence): ANI có khả năng thực hiện một hoặc một số tác vụ cụ thể một cách thông minh nhưng không thể thực ngoài nhiệm vụ đã được xác định. Chat GPT, Bard, Bing,.. là một trong những ví dụ về ANI vì nó chỉ giới hạn trong một nhiệm vụ nhất định là trò chuyện dựa trên văn bản.

Trí tuệ thông minh tổng quát (AGI – Artificial General Intelligence): Trí tuệ nhân tạo nhân cách hóa có khả năng tự nhận thức và tương tác với con người một cách tự nhiên, giống như một người bạn đồng hành thông minh. Ví dụ, robot trí tuệ nhân tạo mang tên Sophia được thiết kế để suy nghĩ và cử động sao cho giống người thật nhất. Robot nhân tạo còn có khả năng hoạt động giúp đỡ con người trong các vấn đề cuộc sống như hỗ trợ điều trị y tế, giáo dục,…

Siêu trí tuệ nhân tạo (ASI – Artificial Super Intelligence): ASI là hệ thống AI có thể vượt xa trí thông minh của con người. Đó là những siêu máy tính khoa học viễn tưởng được tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu lớn có khả năng vượt qua suy nghĩ, cảm xúc của con người. Mặc dù ASI vẫn chưa được thực hiện đầy đủ nhưng đã thu hút nhiều sự quan tâm của nhiều nhãn hàng đầu trên thế giới như Google, Facebook, Microsoft,…

Vì sao nên cân nhắc học ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) để đón đầu?
Ngành trí tuệ nhân tạo được đánh giá là “Công cụ đổi mới xã hội” có khả năng giải quyết một số vấn đề phức tạp, giúp nâng cao hiệu quả công việc và cải thiện chất lượng cuộc sống. Theo thống kê của Báo Quân đội nhân dân, đến năm 2025 giá trị thị trường AI dự kiến sẽ đạt đến 169 tỷ USD và đến năm 2035 là 15.700 tỷ USD.

Báo cáo từ McKinsey & Company cho rằng tiềm năng của thị trường AI trong tương lai đã sẵn sàng tạo nên một cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực. Nguồn dữ liệu từ Accenture vào tháng 6/2022 công bố đã có hơn 60% doanh nghiệp mảng Tài chính – Ngân hàng đang thử nghiệm AI vào công việc thường ngày. Các đơn vị thuộc ngành nghề khác cũng đã tìm đến sự hỗ trợ của AI. Các công ty này cũng đã thành công khi có doanh số vượt mức 50% khi đưa AI vào công việc.

Cũng theo báo cáo “Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2022” do Tổ chức Oxford Insights, Việt Nam xếp hạng 6/10 trong các nước ASEAN có nhiều chỉ số sẵn sàng về phát triển AI. Công ty tư vấn chiến lược McKinsey dự kiến năng xuất kinh doanh dưới tác động của Generative AI sẽ đạt khoảng 2,6 nghìn tỷ USD đến 4,4 nghìn tỷ USD/năm.

Nhìn chung, với tốc độ phát triển vượt bậc như hiện nay, Trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ sớm vươn lên tầm cao mới để cùng thế giới giải quyết các thách thức mới trong tương lai. Học ngành AI là một lựa chọn tốt cho những bạn muốn đón đầu xu hướng công nghệ, có cơ hội phát triển nghề nghiệp rộng mở và góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) cần những kiến thức và kỹ năng gì?

Để học tốt ngành Trí tuệ nhân tạo cũng như phát triển vững vàng trong ngành này, bạn cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết sau đây.

Kỹ năng chuyên môn

Am hiểu kiến thức lập trình và ứng dụng khoa học máy tính: Đây chính là nền tảng cốt lõi để học ngành trí tuệ nhân tạo hiệu quả. Bạn cần hiểu các kiến thức về cấu trúc dữ liệu, giải thuật, hệ điều hành, mạng máy tính, cơ sở dữ liệu,… để có thể cải thiện hiệu quả thuật toán, cũng như nâng cao khả năng lập trình bằng các ngôn ngữ phổ biến như Python, Java, C++,…

Hiểu rõ về Spark và dữ liệu: Các kỹ sư AI thường làm việc với lượng dữ liệu khá lớn, việc hiểu rõ về Spark hay Apache Spark giúp bạn xử lý công việc nhanh chóng và hiệu quả.

Thuật toán học máy: Machine Learning (học máy) có khả năng sử dụng máy móc làm theo các nhiệm vụ của con người một cách thông minh. Ngoài thuật toán học máy bạn cũng cần hiểu rõ về các thuật toán học sâu (như mạng nơ-ron tuần hoàn, mạng sáng tạo đối nghịch,…).

Kỹ năng mềm

Có tư duy phản biện: Tư duy phản biện giúp bạn phân tích vấn đề một cách logic, xác định các yếu tố quan trọng và đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Ví dụ, khi bạn học về thuật toán học máy, bạn cần phân tích các ưu điểm và nhược điểm của từng thuật toán từ đó lựa chọn thuật toán phù hợp với bài toán cụ thể và đánh giá hiệu quả của thuật toán sau khi triển khai.

Có óc sáng tạo ấn tượng: Đây là một lĩnh vực luôn phát triển và thay đổi. Khả năng sáng tạo giúp bạn đưa ra những ý tưởng mới cho các ứng dụng AI cũng như nhanh chóng thích nghi với tốc độ biến đổi của nó. Hãy liên tục đặt câu hỏi, tìm kiếm lời giải cho những điều bạn chưa hiểu và không ngừng học hỏi kiến thức mới.

Khả năng học hỏi nhanh: Ngành Trí tuệ nhân tạo luôn phát triển với tốc độ chóng mặt, vì vậy bạn phải liên tục cập nhật kiến thức và kỹ năng mới. Tham gia các khóa học chuyên sâu, hội thảo chuyên ngành hay tự học qua các tài liệu online là những cách hiệu quả để bạn nâng cao năng lực của bản thân.

Kỹ năng ra quyết định: Các dự án AI thường liên quan đến nhiều kỹ năng phân tích, thống kê và dự đoán. Ngoài việc rèn luyện kỹ năng sáng tạo, học hỏi nhanh thì bạn nên trang bị thêm kỹ năng đánh giá rủi ro và ra quyết định đúng đắn.

Ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) gồm những ngành nào?
Ngành Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực rộng lớn bao gồm nhiều ngành con khác nhau. Dưới đây là một số lĩnh vực phổ biến các bạn có thể tham khảo.

Học máy (Machine Learning): Tập trung vào việc phát triển các thuật toán cho máy tính “tự học” từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể trong cuộc sống. Học máy được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như phân loại ảnh, nhận diện giọng nói, dịch thuật tự động,…

Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP): Ngành này tập trung vào việc phát triển các hệ thống máy tính có thể hiểu và xử lý ngôn ngữ con người. NLP được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như chatbots, dịch thuật tự động, tóm tắt văn bản,…

Thị giác máy tính (Computer Vision): Đây là lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các hệ thống máy tính có thể nhìn và hiểu thế giới xung quanh. Thị giác máy tính được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như nhận diện khuôn mặt, xe tự lái, kiểm tra chất lượng sản phẩm,…

Robot học (Robotics): Đây là một ngành học thuộc khối kỹ thuật gồm việc thiết kế, chế tạo và vận hành robot. Robot học được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, y tế, nông nghiệp,… Đây là một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ với nhiều tiềm năng ứng dụng trong tương lai.

Khoa học dữ liệu (Data Science): Khoa học dữ liệu tập trung vào việc khai phá tiềm năng của dữ liệu bằng phương pháp thống kê, công nghệ thông tin, công cụ AI,… từ đó dự đoán xu hướng tương lai và đưa ra những quyết định hoặc chiến lược sáng suốt. Khoa học dữ liệu được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh, tài chính, y tế,…

Ứng dụng của ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) vào cuộc sống
Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, mang đến những thay đổi to lớn và những lợi ích thiết thực cho con người. Dưới đây là một số ứng dụng của AI trong các lĩnh vực khác nhau.

Cuộc sống cá nhân: Siri, Google Assistant, Alexa,… được cài đặt trên điện thoại luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn mọi lúc mọi nơi như đặt lịch hẹn, tìm kiếm thông tin, hỗ trợ quản lý những ngôi nhà thông minh.

Thiết kế website: Bạn có thể tạo ra website chuyên nghiệp từ các công cụ AI đơn giản giúp tiết kiệm chi phí. Các ứng dụng như Gridc có thể tự động thiết kế website dựa trên thông tin, hình ảnh, video mà bạn cung cấp.

Lĩnh vực Content Marketing: AI có thể viết hàng trăm bài báo cáo, tin tức mỗi ngày giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí. Chỉ cần cung cấp những yêu cầu về nội dung mà bạn mong muốn, AI sẽ tạo ra những bài hoàn chỉnh và đầy đủ. Một số công cụ hỗ trợ cho việc viết content hiện nay là Chat GPT, Gemini, Bing,…

Hệ thống CRM (Customer Relationship Management): CRM là hệ thống quản lý mối quan hệ khách hàng. Chatbot sử dụng NLP – Xử lý ngôn ngữ tự nhiên để hiểu ý nghĩa của các câu hỏi của người dùng, từ đó cung cấp câu trả lời chính xác. Một số loại Chatbot còn có thể giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và thu thập thông tin tiềm năng khách hàng để góp phần giúp doanh nghiệp tăng doanh thu.

Ứng dụng trong y tế: Medical Brain là một thuật toán trí tuệ nhân tạo được phát triển, giúp dự đoán khả năng sống sót của bệnh nhân dựa trên nhiều yếu tố như: chẩn đoán, phương pháp điều trị, tiến trình phát triển thuốc và cả quá trình theo dõi, chăm sóc.

Giáo dục: Các hệ thống Learning Management Systems – LMS như Moodle, Blackboard, Canvas là những sản phẩm trí tuệ nhân tạo tuyệt vời giúp tạo và quản lý các khóa học trực tuyến. Một số hệ thống cá nhân hóa học tập như Knewton Alta, DreamBox Learning, Renaissance Learning,… giúp cung cấp phản hồi cá nhân cho từng học sinh nhờ khả năng phân tích dữ liệu học tập quá khứ của các em. Một số hệ thống thân quen với các bạn nhất là những ứng dụng học ngôn ngữ như Elsa, Duolingo, Edmicro IELTS,….
Privacy Policy | 2.31.16
Thời gian xử lý trang này hết 0,194 giây.